253 lượt xem

Quảng Nam: Tiếp thêm động lực đưa Sâm Ngọc Linh vươn ra thế giới

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, hiện nay, trên địa bàn tỉnh diện tích quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh đã được xác định khoảng 15.567 ha. Tỉnh cũng đang nghiên cứu trồng di thực sâm Ngọc Linh ở một số địa phương khác có điều kiện tương đồng để mở rộng, phát triển diện tích trồng sâm Ngọc Linh. Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích bảo tồn phát triển cây Sâm Ngọc Linh; đồng thời có nhiều chương trình, dự án đã và đang thực hiện đã góp phần thúc đẩy việc bảo tồn, phát triển và tiêu thụ sản phẩm từ cây Sâm Ngọc Linh.

Mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển cây Sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) thành ngành công nghiệp sản xuất sâm đạt thương hiệu sản phẩm Quốc gia Sâm Việt Nam; đưa ngành sản xuất và chế biến Sâm Việt Nam (Sâm Ngọc Linh) trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi cao phát triển kinh tế bằng cây Sâm Việt Nam. Đến năm 2045, tỉnh Quảng Nam trở thành trung tâm cung ứng Sâm Ngọc Linh trên toàn quốc; sản xuất, cung ứng cây giống Sâm Ngọc Linh, Sâm nguyên liệu và các sản phẩm chế biến từ Sâm; góp phần đưa nước Việt Nam trở thành nước sản xuất Sâm có thể cạnh tranh ngang bằng với ngành sản xuất Sâm của Hàn Quốc.

Quảng Nam: Tiếp thêm động lực đưa Sâm Ngọc Linh vươn ra thế giới

Để “hiện thực hóa” được mục tiêu, ngoài việc vận dụng những cơ chế khuyến khích hỗ trợ đã có, Quảng Nam sẽ xây dựng thêm các cơ chế thu hút, ưu đãi hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật vào tham gia sản xuất giống Sâm Ngọc Linh đạt chất lượng; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh đạt chuẩn GMP-WHO như: Thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm,… Trong đó ưu tiên tập trung phát triển nhà máy, cơ sở bảo quản, chế biến tại các vùng trồng Sâm tập trung trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Đồng thời, tăng cường xúc tiến, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trong việc liên kết sản xuất, quảng bá hình ảnh cây Sâm Ngọc Linh để thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho người dân an tâm sản xuất. Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư theo hướng hỗ trợ người dân thành lập các Hợp tác xã dược liệu để vận dụng cơ chế chính sách hỗ trợ trong phát triển cây Sâm Ngọc Linh gắn với tiêu thụ sản phẩm.

“Thứ nhất, Bộ Thông tin truyền thông cần có chiến lược quảng bá để mọi người có thể biết về Sâm Ngọc Linh; thứ hai Bộ Khoa học công nghệ cần có những nghiên cứu để bảo tồn, nhân giống bằng công nghệ để đám ứng cho thị trường; thứ ba cần chú trọng trong vấn đề bảo đảm an ninh sâm”, ông Trần Duy Dũng – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My kiến nghị.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *