290 lượt xem

Ngành công nghiệp tỷ đô trên đỉnh Ngọc Linh | Kinh tế địa phương

>>Giá trị từ sự khác biệt

Cây Sâm Ngọc Linh đã khẳng định được thương hiệu tại Việt Nam cũng như thế giới, vì vậy việc phát triển ngành công nghiệp “tỷ đô” đang được chú trọng. Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) đã chia sẻ với Diễn Đàn Doanh Nghiệp về định hướng phát triển cây Sâm Ngọc Linh trong tương lai xứng danh “Quốc bảo” nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My kiểm tra khu vực trồng cây Sâm Ngọc Linh.

Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My kiểm tra khu vực trồng cây Sâm Ngọc Linh (Ảnh: Tuấn Vỹ) .

– Cây sâm Ngọc Linh từ khi được khai phá giá trị đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho địa phương, vậy xin ông chia sẻ tình hình kinh tế – xã hội đã có những thay đổi như thế nào? Và đời sống của người dân, đặc biệt là người đồng bào đã được cải thiện ra sao?

Có thể khẳng định, huyện Nam Trà My có tiềm năng phát triển cây dược liệu nói chung và Sâm Ngọc Linh nói riêng là rất lớn, chính cây dược liệu đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều hộ dân nơi đây, nhất là các xã được quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu. Nhận thức của người dân được thay đổi rõ rệt; người dân địa phương đã biết giữ rừng để trồng sâm Núi Ngọc Linh; từng hộ dân đã biết tận dụng diện tích đất dưới tán rừng; biết cách sử dụng nguồn vốn vay để đầu tư trồng sâm, có hộ vay đến hàng trăm triệu đồng để đầu tư trồng sâm.

a

Huyện Nam Trà My có tiềm năng phát triển cây dược liệu nói chung và Sâm Ngọc Linh nói riêng là rất lớn (Ảnh: Tuấn Vỹ).

Việc phát triển cây dược liệu bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Từ việc hỗ trợ của Nhà nước cùng với sự vào cuộc, nỗ lực của người dân, đến nay trên địa bàn huyện đã có nhiều hộ, nhóm hộ tại Trà Nam, Trà Cang, Trà Linh vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Phát triển cây dược liệu dưới tán rừng không chỉ tạo cơ hội cho người dân tiếp cận những tiến bộ kỹ thuật; khai thác tốt tiềm năng tự nhiên, giúp khôi phục, bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu tự nhiên quý mà còn góp phần tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân và nâng cao được ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác quản lý và bảo vệ rừng.

Hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 500-1.000 lao động tại địa phương, nhiều hộ đã vườn lên thoát nghèo và làm làm giàu, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững.

– Hiện tại, địa phương cũng đang khuyến khích các doanh nghiệp đến đầu tư trồng, sản xuất và chế biến sâm, vậy xin ông cho biết tình hình thu hút doanh nghiệp đầu tư hiện nay ra sao?

Đến nay toàn huyện có 17 công ty, doanh nghiệp đã tham gia thuê môi trường rừng để trồng Sâm Ngọc Linh, với diện tích trên 365 ha và trồng gần 1 triệu cây giống các độ tuổi.

Trên địa bàn huyện có 02 vườn Sâm Ngọc linh thuộc Nhà nước quản lý đó là trại sâm giống Tắk Ngo, thôn 2 xã Trà Linh, do UBND huyện Nam Trà My quản lý, đã được UBND tỉnh cấp cho sử dụng môi trường rừng 83,1ha.

Và thứ hai là trại sâm tỉnh tại Măng Lùng, Thôn 2, Trà Linh (Trung tâm Sâm Ngọc Linh và dược liệu tỉnh Quảng Nam): diện tích được UBND tỉnh cho thuê trường để trồng bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh là 50,25 ha.

Cây sâm mang lại giá trị kinh tế cao, thay đổi kinh tế – xã hội của địa phương.

Đây là 02 đơn vị do Nhà nước quản lý thực hiện việc cung ứng nguồn giống chủ yếu cho người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, lượng cây giống trong nhân dân và doanh nghiệp hằng năm sản xuất được từ 500.000 – 1.000.000 cây giống. Tuy số lượng cây giống cung ứng trong những năm gần đây có tăng đáng kể, nhưng nhu cầu mở rộng và phát triển cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn là rất lớn.

Đặc biệt, hiện nay trên địa bàn huyện có 11 Hợp tác xã nông nghiệp được hình thành và 01 Công ty Cổ phần nông sản và Dược liệu Trà My đã đầu tư nhà máy chế biến các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu đã triển khai thực hiện tại cụm Công nghiệp Mai-Don của huyện Nam Trà My.

– Với quan điểm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là thực hiện giấc mơ tỷ đô trên đỉnh Ngọc Linh, ở góc độ địa phương có lợi thế triển khai, ông kỳ vọng thế nào vào ngành công nghiệp này?

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt với quan điểm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là thực hiện giấc mơ tỷ đô trên đỉnh Ngọc Linh, ở góc độ địa phương rất kỳ vọng để phát triển trong thời gian tới.

Có thể khẳng định, với những giá trị đích thực từ Sâm Ngọc Linh mang lại, đã đưa giá trị kinh tế sản phẩm cây Sâm Ngọc Linh tăng lên rất cao. Hiện nay, giá cây Sâm giống loại 01 năm tuổi từ chổ 50.000,đ/cây tăng lên 300.000,đ/cây.

Giá sâm các loại bình quân từ 50- 75 triệu/kg, loại đặc biệt có giá vài trăm triệu đồng/kg. Mỗi ha trồng sâm sau 5 năm người dân có thể thu được 30 đến 50 tỷ đồng, cây sâm Ngọc Linh đã trở thành cây hàng hóa chủ đạo để góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc tại địa bàn vùng trồng sâm đóng vai trò rất quan trọng.

Bên cạnh đó, với tiềm năng phát triển to lớn trong tương lai từ Sâm Ngọc Linh đã thu hút nhiều nhà doanh nghiệp trong nước đầu tư thuê môi trường rừng trồng Sâm Ngọc linh, xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh góp phần phát triển ngành dược và kinh tế – xã hội của huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Do vậy việc thực hiện giấc mơ tỷ đô trên đỉnh Ngọc Linh ở góc độ địa phương có thể thành hiện thực.

– Trong thời gian tới, địa phương có những kế hoạch thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong việc phát triển cây sâm Ngọc Linh để tiếp tục đưa cây Sâm Ngọc Linh phát triển xứng tầm với thương hiệu Quốc bảo?

Phấn đấu đến năm 2030, huyện Nam Trà My xây dựng được Vùng bảo tồn và phát triển cây dược liệu trọng điểm của quốc gia, nhằm bảo tồn những nguồn gen quý hiếm, cung cấp nguyên liệu, phát triển thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, qua đó tạo sự lan tỏa ra các địa phương lân cận, tạo động lực hình thành các vùng nuôi trồng, chế biến dược liệu tập trung, quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung. Do vậy, để thực hiện được việc này huyện đã tiếp tục đẩy mạnh tập trung phát triển cây Sâm Ngọc Linh để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến dược liệu tại cụm công nghiệp của huyện và các nơi trên cả nước.

Cây sâm Ngọc Linh đã trở thành cây hàng hóa chủ đạo để góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc tại địa bàn vùng trồng sâm đóng vai trò rất quan trọng.

Đầu tư xây dựng các tuyến giao thông liên kết vùng sản xuất dược liệu để thuận lợi trong việc giao thương hàng hoá. Tạo điều kiện thuận lợi và áp dung các cơ chế chính sách của Tỉnh, TW để thu hút HTX/Doanh nghiệp vào đầu tư phát triển vùng nguyên liệu đồng bộ. Thúc đẩy việc Liên kết với nông dân trong vùng để liên kết trồng và tiêu thụ cây Sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu của địa phương.

Gắn phát triển KTV, KTTT với định hướng phát triển vùng nguyên liệu tập trung, đồng bộ; ưu tiên liên kết đồng bộ, chặc chẽ giữa các Trang trại với Trang trại, giữa Trang trại với HTX/Doanh nghiệp nhằm tạo sự đổi mới. Vận động các Trang trại, các HTX/doanh nghiệp đưa hệ thống sản xuất tiên tiến (VietGAP, …..) vào trong sản xuất nông nghiệp nói chung, sâm và dược liệu nói riêng và coi đây là yếu tố bắt buộc phải áp dung vào sản xuất trong thời gian đến.

Lồng ghép cơ chế, chính sách về đất đai, nguồn vốn… tạo điều kiện cho các HTX/doanh nghiệp, hộ nông dân tham gia bảo tồn và phát triển cây sâm, dược liệu. Liên kết để phát triển dược liệu bền vững, thực hiện tốt mô hình liên kết “bốn nhà” gồm Nhà nước – Nhà khoa học – Doanh nghiệp – Nhà nông, lấy doanh nghiệp làm trung tâm.

 – Xin cảm ơn ông!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *