GS.TS Trần Công Luận – nguyên Giám đốc Trung tâm và Dược liệu TP.HCM nhấn mạnh, qua nghiên cứu, đến nay đã xác định sâm Ngọc Linh có đến 104 hợp chất với 84 hợp chất saponin trong các bộ phân dùng của cây sâm như, thân rễ và rễ củ, lá và cọng thân chứ không phải như 52 hợp chất được công bố trước kia.
Sâm Ngọc Linh có 52 hay 104 hợp chất?
GS.TS Trần Công Luận – nguyên Giám đốc Trung tâm và Dược liệu TP.HCM chuyên nghiên cứu về sâm Ngọc Linh cho biết: “Qua nghiên cứu, sâm Việt Nam, còn được gọi là sâm đốt trúc, sâm khu 5, sâm Ngọc Linh, củ ngải rợm con là một loài sâm quý hiếm và đặc hữu của nước ta.
Chúng mọc hoang dại ở vùng núi Ngọc Linh thuộc 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam ở độ cao 1.500 – 2.000m và được phát hiện từ năm 1973.
Cây sâm Ngọc Linh có vùng phân bố rất hẹp, rất khó phát triển vùng trồng trong khi sâm tự nhiên ngày càng hiếm hoi.
Hiện nay sâm Ngọc Linh đang được trồng dưới tán rừng tự nhiện ở hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam và đã có thu hoạch để bán ở dạng nguyên liệu (sâm thương phẩm) nhưng việc khảo sát về sự phát triển và tích lũy hoạt chất của sâm Ngọc Linh trồng chưa mang tính hệ thống.
Đến nay, đã phát hiện thêm hai thứ của sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis var. fussidiscus ở Lai Châu, Panax vietnamensis var. langbianensis ở Lâm Đồng), và một loài sâm Puxailaileng ở Nghệ An cũng được cho là gần gũi với sâm Ngọc Linh”.
GS.TS Trần Công Luận cho biết thêm, tháng 9/2015, Chính phủ phê duyệt Đề án quốc gia về phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 với mục tiêu mở rộng vùng trồng sâm ra 7 xã của huyện Nam Trà My (Quảng Nam) với tổng diện tích 30.000ha.
Đến ngày 18/6/2016 sâm củ Ngọc Linh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00049 theo Quyết định số 3235/QĐ-SHTT.
Theo Quyết định này, sản phẩm sâm củ mang chỉ dẫn địa lý nằm trên ngọn núi Ngọc Linh trong khu vực địa lý thuộc xã Măng Ri, xã Ngọc Lây thuộc huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum và xã Trà Linh thuộc huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Sau khi sâm củ Ngọc Linh được đăng ký chỉ dẫn địa lý, vào ngày 1 đến ngày 3/10/2017, phiên chợ Sâm Ngọc Linh lần thứ nhất tại huyện Nam Trà My được tổ chức.
Đến ngày, 5/9/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm vùng trồng sâm của Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh – Kon Tum tại huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum.
Ngày 15/4/2022, phiên chợ sâm Ngọc Linh lần thứ nhất tại huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum được tổ chức.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu thăm vườn sâm Ngọc Linh giống của tỉnh (Ảnh: T.H)
“Đối với thành phần hóa học của các bộ phận dùng trong sâm Ngọc Linh, chất Saponin được xem là nhóm hợp chất chính quyết định tác dụng sinh học của sâm Ngọc Linh. Ngoài ra, còn có một số hợp chất khác như Polyacetylen, steroid, các dẫn chất phenol …
Cho đến nay qua nghiên cứu đã xác định được 104 hợp chất với 84 hợp chất saponin trong các bộ phận dùng của cây sâm như, thân rễ và rễ củ, lá và cọng thân chứ không phải như 52 hợp chất được công bố trước đây.
Cho đến nay, đã có các công trình nghiên cứu di thực đến các vùng lân cận núi Ngọc Linh hoặc xa hơn về phía Bắc như Sa Pa, Tam Đảo hay về phía Nam như Đà Lạt – Lâm Đồng, Hòn Bà – Khánh Hòa. Ngoài ra, còn có những công trình nghiên cứu về nuôi cấy mô tế bào tạo sinh khối và rễ tơ hay ra cây con để đưa ra luống trồng…”, GS.TS Trần Công Luận nhấn mạnh.
Vừa phát triển vừa bảo tồn nguồn gen thuần chủng của sâm Ngọc Linh
Để phát triển cây sâm Ngọc Linh thành sản phẩm quốc gia có giá trị, GS.TS Trần Công Luận nhìn nhận, các công trình nghiên cứu gần đây về các loài sâm thuộc chi Panax trên thế giới đều đề cập đến sâm Ngọc Linh như 1 loài sâm có giá trị và đang được nuôi trồng ở nước ta.
Đối với hợp chất saponin được xem là thành phần hoạt chất chính ở phần dưới mặt đất của các loài sâm, cho đến nay vẫn chưa có loài nào vượt trội hơn sâm Ngọc Linh về số lượng và hàm lượng saponin.
“Cho nên cần tập trung cho việc nghiên cứu mở rộng vùng trồng sâm Ngọc Linh, mở rộng nguồn nguyên liệu sâm Ngọc Linh hữu tính và vô tính để phong phú nguyên liệu sản xuất và đa dạng hóa sản phẩm từ sâm Việt Nam.
Đề nghị Bộ Y tế và Bộ KHCN xem xét lại tiêu chí về tỷ lệ giữa 3 hợp chất saponin chính có trong thân rễ và rễ củ sâm Việt Nam từ chuyên luận sâm Việt Nam trong Dược điển Việt Nam V (không dưới 0,5% G-Rb1. 1,5% G-Rg1, 0,4% M-R2)”, GS.TS Trần Công Luận nhấn mạnh.
Để phát triển cây sâm Ngọc Linh, tại hội thảo “Nâng tầm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, sâm Ngọc Linh ngoài giá trị sức khỏe còn có giá trị kinh tế to lớn nhưng chưa được phát triển xứng tầm.
“Do đó, Việt Nam có cơ sở phát triển ngành công nghiệp trồng và chế biến sâm Ngọc Linh với giá trị tỷ đô hoàn toàn là điều có thể làm được. Để làm được điều này, cần thực hiện nghiêm túc, bài bản, tâm huyết, sự hậu thuẫn mạnh mẽ của các bộ, ngành của Trung ương…”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc còn đề nghị, vừa phát triển vừa bảo tồn sâm Ngọc Linh, bảo vệ nguồn gen thuần chủng, không bị lai tạp với các loại khác, làm tốt chức năng chỉ dẫn địa lý, bảo hộ sản xuất, sản phẩm; bảo hộ thương hiệu và phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh là thương hiệu sâm Việt Nam, thương hiệu quốc gia…
Nguồn bài viết: https://danviet.vn/phat-hien-them-52-hop-chat-quy-hiem-co-trong-sam-ngoc-linh-20220807094604568.htm