Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ V truyền tải các thông điệp của sâm Ngọc Linh đến với cả nước và thế giới, phấn đấu xây dựng huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam trở thành vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia.
Tối 1/8, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam tổ chức khai mạc Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 5 và kỷ niệm 20 năm ngày tái lập huyện Nam Trà My (1/8/2003 – 1/8/2023).
Nam Trà My đã phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng bản địa có giá trị kinh tế cao (Ảnh: Thanh Trần) |
Tham dự lễ hội có lãnh đạo và nguyên lãnh đạo tỉnh Quảng Nam; Các đồng chí lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể và lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Nam.
Phát biểu khai mạc, ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam cho biết, Nam Trà My là một trong 6 huyện miền núi cao của tỉnh Quảng Nam, nằm trên trục đường giao thông phía Tây – Nam, là cửa ngõ quan trọng kết nối tỉnh Quảng Nam với khu vực Tây Nguyên.
“Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ V và những thành quả được trưng bày, quảng bá, một lần nữa khẳng định Nam Trà My đã và đang rất thành công trong quá trình thực hiện định hướng chiến lược, chủ trương phát triển bền vững và tạo thương hiệu cho cây sâm Ngọc Linh”, ông Cường nhấn mạnh.
Huyện Nam Trà My được thành lập từ tháng 3/1947 với tên gọi là Châu Trà My. Qua nhiều lần chia tách, sáp nhập, thay đổi tên gọi, đến ngày 20/6/2003, huyện Trà My được chia tách thành hai đơn vị hành chính là Nam Trà My và Bắc Trà My. Ngày đầu tái lập huyện, tỷ lệ hộ nghèo ở Nam Trà My gần 90%.
Trong suốt chặng đường hình thành và phát triển 20 năm qua, huyện Nam Trà My đã phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng bản địa có giá trị kinh tế cao. Huyện tập trung bảo tồn nguồn gen quý hiếm và hình thành vùng trồng cây dược liệu, sâm Ngọc Linh theo quy mô tập trung.
Người dân huyện vùng cao Nam Trà My thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ trồng sâm Ngọc Linh (Ảnh Thanh Trần) |
Theo ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cây sâm Ngọc Linh bao đời nay đã hiện diện tại vùng núi Ngọc Linh. Đây là loài dược liệu đặc biệt quý hiếm, có giá trị đặc hữu, với những đặc tính riêng có mà các loài sâm khác trên thế giới không có được. Sâm Ngọc Linh là sản phẩm của quốc gia.
Tại huyện Nam Trà My, vùng sâm Ngọc Linh được quy hoạch khoảng 15 nghìn héc ta tại 7/10 xã của huyện; Hơn 1.250 hộ gia đình trồng hơn 2 ngàn héc ta sâm, sản lượng hàng năm đạt khoảng 10 tấn, giá trị khoảng 420 – 600 tỷ đồng/năm.
Do đó, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, triển khai thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra; Trong đó có việc khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, trên cơ sở các cơ chế, chính sách hiện có, lồng ghép các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế – xã hội.
Các cấp ngành triển khai hiệu quả chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia; Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với người dân đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, khai thác, chế biến sản phẩm; Phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác trong nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm sâm Ngọc Linh.
Phiên chợ sâm Ngọc Linh với 60 cơ sở kinh doanh và bà con người đồng bào Ca Dong, Xê Đăng của 7 xã trồng sâm Ngọc Linh, huyện Nam Trà My (Ảnh Thanh Trần) |
Ngoài ra, các cấp, ngành cần tuyên truyền, hướng dẫn, thu hút người dân sống gần rừng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào hoạt động trồng, chăm sóc, bảo vệ cây sâm Ngọc Linh gắn với tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, khai thác hiệu quả việc trồng sâm Ngọc Linh và cây dược liệu dưới tán rừng; Quyết tâm xây dựng huyện Nam Trà My trở thành “Thủ phủ sâm Ngọc Linh,” trung tâm giống dược liệu quý hiếm của quốc gia.