LTS: Sâm Ngọc Linh – loại sâm đặc hữu chỉ có ở Quảng Nam và Kon Tum với hàm lượng saponin vượt trội các loại sâm nổi tiếng trên thế giới. Sâm Ngọc Linh đã được coi là quốc bảo của Việt Nam.
Nhưng thời gian qua, trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều giao dịch buôn bán quốc bảo này với mức giá rẻ giật mình. Thật khó tin, khi giá sâm Ngọc Linh chính gốc lên đến hàng trăm triệu đồng/kg, còn trên thị trường trôi nổi, chỉ vài triệu đồng đến hơn chục triệu đồng/kg.
Sau một thời gian dài thâm nhập các đường dây nhập lậu sâm ở biên giới phía Bắc, đến tận vườn sâm Ngọc Linh chính gốc ở Quảng Nam, Kon Tum, nhóm PV Dân Việt đã tường tận cách thức “tẩy trắng” sâm nhập lậu từ Trung Quốc thành loại sâm quốc bảo của Việt Nam.
Thậm chí, loại sâm Lai Châu đang dần có chỗ đứng trên thị trường cũng bị sâm từ Trung Quốc về trà trộn, ảnh hưởng đến nguồn cung sâm thật.
Với mức giá rẻ giật mình nếu mua tận vườn bên Trung Quốc, nếu đưa trót lọt về Việt Nam để mạo danh các loại sâm quý hiếm của nước ta, giới buôn sâm so sánh tỷ suất lợi nhuận “còn hơn cả buôn ma túy”.
Hiện có những loại sâm giá rẻ trên thị trường gắn mác sâm Ngọc Linh hay sâm Lai Châu. Clip: Dân Việt
Bài 1: Quốc bảo sâm Ngọc Linh bị mạo danh!
Người tiêu dùng có thể tìm kiếm được các mối rao bán “sâm Ngọc Linh” trên mạng xã hội, với mức giá chỉ vài triệu đồng/kg.
Rao bán cả “cụ tổ của sâm Ngọc Linh” với giá rẻ, mua cả tạ cũng có
Trên các nền tảng mạng xã hội như Youtube, Facebook, Tiktok tràn ngập các tài khoản bán mặt hàng sâm Ngọc Linh. Họ còn cam kết hàng chất lượng bằng cách trưng ra những tờ giấy có kết quả xét nghiệm của cơ quan chức năng. Nhưng những người này không giải thích được loại “sâm Ngọc Linh” họ rao bán lại có giá rẻ đến vậy.
Trên trang Facebook cá nhân có tên M.T, người này liên tục đăng bán những sản phẩm sâm Ngọc Linh với đủ từ ngữ hoa văn giới thiệu về sản phẩm.
“Cụ” sâm Ngọc Linh dài đẹp tuyệt phẩm, đẹp từ da đến dáng, mắt sâm sâu hoăm hoắm rõ nét. Cụ tổ sâm nặng 230g, dài tận 60cm, đếm vội 40 mắt sâm. Phải nói là cực hiếm để gặp được một “cụ” sâm dài, đẹp đến vậy”, M.T quảng cáo.
Cũng trên trang Facebook của M.T mọi bài viết khi đăng tải đều bị khóa bình luận, chỉ được xem và chia sẻ.
Lướt qua một số trang Facebook khác, chúng tôi cũng nhận thấy những hình ảnh tương tự, hàng loạt những lời quảng cáo mỹ miều, tất cả các củ sâm được rao bán đều gắn mác sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, điều làm cho chúng tôi cảm thấy giật mình vì sâm Ngọc Linh nhưng giá bán thì lại cực rẻ so với sâm bán tại gốc.
Liên hệ với tài khoản Facebook có tên H.N với mục đích tìm hiểu về sâm, chủ nhân của Facebook này nhanh chóng tiếp lời và giới thiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh của mình cho chúng tôi.
Chúng tôi thắc mắc, tại sao sâm Ngọc Linh ở Kon Tum, Quảng Nam, hay thậm chí sâm Lai Châu đều có giá rất cao, gấp mấy lần giá “sâm Ngọc Linh” đang được rao bán? Người này đáp lại: “Em có một ít nên bán cho anh với giá rẻ như vậy, em cam kết là sâm, anh có thể mang đi kiểm nghiệm nếu không đúng, em sẽ hoàn lại tiền 100%”.
Liên hệ với một tài khoản Facebook khác có tên H.M, người này giới thiệu hiện ở Lai Châu nhưng sẵn sàng giao sâm ở nhiều địa phương khác nhau như Hà Nội, Hà Nam… và còn khẳng định, nhà mình có vườn sâm trồng ở Yên Bái.
Người này cho hay, đang bán 2 sản phẩm đó làm sâm rừng và sâm trồng. Loại sâm trồng hiện bán với giá chỉ 1 triệu đồng/1kg. Nếu người mua có nhu cầu với số lượng nhiều cũng có hàng, và tất nhiên, nếu mua nhiều thì giá chỉ còn khoảng 900 nghìn đồng/1kg sâm trồng.
Còn đối với loại hàng rừng giá cao hơn nhưng cũng chỉ rơi vào 5 triệu đồng/1 củ có trọng lượng gần một lạng và có tuổi đời khoảng 20 năm. Hàng rừng bán theo củ chứ không bán theo kg, giá cao hay thấp tùy thuộc vào độ tuổi, mã đẹp hay xấu… “Em có mối lấy hàng tại vườn nên được giá gốc”, H.M thuyết phục với khách hàng.
Chúng tôi tiếp tục liên hệ với một mối bán sâm khác, người tự giới thiệu đang ở Lai Châu nhưng có thể cấp sản phẩm đến nhiều địa phương khác nhau. Người này cho biết hiện đang bán 2 sản phẩm đó làm sâm rừng và sâm trồng. Loại sâm trồng hiện tại đang bán với giá chỉ 1 triệu đồng/1kg.
Muốn mua cả tạ cũng có và tất nhiên, nếu mua nhiều thì giá chỉ còn khoảng 900 nghìn đồng/1kg sâm trồng. Đối với loại hàng rừng giá cao hơn nhưng cũng chỉ rơi vào 5 triệu đồng/1 củ có trọng lượng gần một lạng và được quảng cáo có tuổi đời khoảng 20 năm?!
Sâm Ngọc Linh được tìm thấy ở một số khu vực thuộc tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Đây cũng là loại nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới. Theo kết quả nghiên cứu, sâm Ngọc Linh chứa 52 loại saponin, trong đó có 24 loại có cấu trúc mới, không có trong các loại sâm khác. Có thể nói, sâm Ngọc Linh Việt Nam là một trong những loại sâm có hàm lượng saponin nhiều nhất trên thế giới.
Sự thực về sâm Ngọc Linh như thế nào? Trước hết, loại thảo dược được coi là quốc bảo của Việt Nam chỉ có thể trồng được tại huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) và huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam).
Theo tìm hiểu của PV, một doanh nghiệp trồng sâm ở Tu Mơ Rông (Kon Tum) đang bán sâm Ngọc Linh loại 1 lên đến 360 triệu đồng/kg, gấp vài chục đến hàng trăm lần mức giá rẻ được rao bán trên mạng xã hội. Còn loại sâm ít tuổi người dân bán ra cũng có giá vài chục triệu đồng/kg.
Nhóm PV Dân Việt đã tìm về tận vùng trồng sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My, Tu Mơ Rông để mục sở thị giống sâm quý và tìm câu trả lời cho tình trạng “bát nháo giá” sâm Ngọc Linh. Câu trả lời từ người dân, chính quyền địa phương, doanh nghiệp kinh doanh sâm, Hiệp hội sâm đều thống nhất: Sâm Ngọc Linh không thể có giá rẻ mạt như vậy!
Từ trung tâm huyện Nam Trà My, chúng tôi được cán bộ Phòng NNPTNT huyện dẫn đi hơn 30km đường núi vào vùng trồng sâm của xã Trà Lĩnh, nơi có núi Ngọc Linh.
Cũng vì là quốc bảo, nên người dân ở đây có tập quán không cho người lạ vào xem vườn sâm. Phóng viên Dân Việt gặp ông Hồ Văn Thể – Chủ tịch UBND xã Trà Linh tại trụ sở UBND xã.
Vị Chủ tịch xã tóm tắt ngắn gọn: “Xã có 3 thôn với 728 hộ, hơn 3.000 nhân khẩu thì hầu hết đều tham gia trồng sâm Ngọc Linh, chỉ trừ các hộ toàn người già, yếu”.
Nhờ có Đề án trồng sâm Ngọc Linh của Chính phủ, đến nay trong xã có khoảng 350 hộ tỷ phú và khoảng 35 hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. “Đến cán bộ xã chúng tôi cũng phải động viên nhau đi làm, chứ không đều muốn đi trồng sâm”, ông Thể cười, nói vui.
Để có thu nhập tốt như vậy, người dân phải vất vả bảo tồn giống sâm và rất khó để trồng, bảo quản được sản phẩm sâm Ngọc Linh “xịn”, tất nhiên giá bán không hề thấp.
“Nếu mua trực tiếp của người dân sâm loại 1 (loại 10 củ/1kg, trên 8 năm tuổi), khách hàng cũng phải chi khoảng 220 triệu đồng/kg”, ông Thể khẳng định.
Xuôi về TP.Tam Kỳ, chúng tôi ghé cửa hàng của một doanh nghiệp cung cấp sâm Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam. Mức giá bán niêm yết đối với sâm loại 1 là trên 300 triệu đồng/kg.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết, địa phương đang chủ yếu trồng bảo tồn, phát triển nguồn giống sâm Ngọc Linh. Do vậy, việc cung ứng sản phẩm (nhất là sâm củ) rất hạn chế. Thống kê sơ bộ, nguồn sâm bán thông qua tổ chức trưng bày, bán tại các phiên chợ, hội chợ triển lãm hàng tháng trên địa bàn huyện Nam Trà My khoảng 70kg/tháng; hoạt động thương mại sâm trong nhân dân (bán rải rác quanh năm), trung bình khoảng 100kg/tháng với giá bình quân từ 55 triệu đến 230 triệu đồng/1kg.
Đối với tỉnh Kon Tum, UBND tỉnh này cho biết, đến hết năm 2022 có 1.165 hộ gia đình, 30 nhóm hộ, tổ liên kết sản xuất và 5 doanh nghiệp sản xuất sâm Ngọc Linh. Hiện đã trồng được 29,9 triệu cây.
Tại huyện Tu Mơ Rông – nơi được coi là thủ phủ sâm Ngọc Linh của Kon Tum, phần lớn diện tích trồng sâm do doanh nghiệp quản lý, một phần các hộ dân liên kết với nhau hoặc liên kết cùng doanh nghiệp.
Nói về câu chuyện trên thị trường rao bán “sâm Ngọc Linh” với giá chỉ vài triệu đồng 1kg, ông Võ Trung Mạnh – Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông khẳng định luôn: “Nói chắc ăn là bị lừa. Ở nơi đây, doanh nghiệp nói cung cấp ngay được vài chục kg sâm Ngọc Linh là rất khó rồi. Công ty lớn nhất ở huyện Tu Mơ Rông giờ còn không dám chắc có thể cung cấp đến một tạ sâm. 20 – 30kg đối với họ cũng là khó rồi”.
Cũng theo ông Mạnh, vừa qua có một doanh nghiệp còn tự “nổ” là có liên kết với người dân trồng sâm tại huyện Tu Mơ Rông, sau đó xin xác nhận công bố Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ tại Cục An toàn thực phẩm, nhưng huyện đã kiểm tra và khẳng định doanh nghiệp này không trồng sâm trên địa bàn.
Trục lợi, lừa đảo lợi dụng thương hiệu sâm Ngọc Linh
Vừa qua, nhiều người dân đã phản ánh hiện tượng một số doanh nghiệp đưa ra “hợp đồng ma” liên kết trồng sâm Ngọc Linh để huy động vốn. Nhưng thực tế, các dự án doanh nghiệp huy động vốn vẽ ra chỉ nằm trên giấy. Cụ thể như cuối tháng 6/2023, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đang tiến hành xác minh, thu thập tài liệu liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty CP Tập đoàn Mỹ Hạnh. Công ty này quảng cáo, giới thiệu với nhà đầu tư về các hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm liên quan đến sâm Ngọc Linh.
Nhưng trên thực tế, cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum cho biết Công ty này không được UBND huyện Kon Plông cấp chủ trương trồng sâm Ngọc linh. Địa bàn huyện này cũng không nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý và không nằm trong vùng phát triển quy hoạch sâm Ngọc Linh.
Vậy họ lấy đâu ra sâm để bán và chế biến thực phẩm bảo vệ sức khoẻ? Thậm chí, có doanh nghiệp ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) còn đang bị tố lừa đảo hàng trăm nhà đầu tư góp vốn trồng sâm. Hiện các nhà đầu tư đã làm đơn gửi công an và cơ quan chức năng cũng đang xác minh vụ việc.
“Nói là có vùng trồng sâm ở Kon Tum và có thể cung cấp cả tạ sâm, rồi rao bán trên mạng xã hội chỉ là bánh vẽ, thực tế là nhập sâm lậu, gây lũng đoạn thị trường”, ông Võ Trung Mạnh khẳng định với PV Dân Việt.
Vậy loại “sâm Ngọc Linh” giả mạo được rao bán tràn lan trên mạng xã hội, ngoài thị trường với giá rẻ đến từ đâu? Cách thức nào để phù phép, giả mạo sâm Ngọc Linh hay kể cả sâm Lai Châu của Việt Nam?
Nhóm PV Dân Việt đã lên các tỉnh biên giới phía Bắc, làm quen, tìm đến các đầu mối “đánh hàng sâm” từ Trung Quốc về. Sau hơn nửa năm thâm nhập, tìm hiểu chúng tôi đã tìm được câu trả lời.
Sâm Lai Châu cũng là một loại sâm quý, có giá trị ở Việt Nam. Ngay khi loại sâm này có tiếng trên thị trường, cũng đã xuất hiện tình trạng giả mạo sâm Lai Châu. Hiệp hội sâm Lai Châu khẳng định, giá sâm Lai Châu loại 1 dao động ở mức 120 triệu đồng/kg, không có chuyện chỉ vài triệu đồng/kg. Hơn nữa, đa phần người trồng sâm ở Lai Châu đang gây dựng vườn, chưa có nhiều thành phẩm để bán.
Mời quý độc giả đón đọc Bài 2: Truy tận gốc những cây sâm giá rẻ bên Trung Quốc