Ngọk Linh là tên làng của người Xê Đăng nằm trên sườn núi thiêng, được mệnh danh là “mái nhà của miền Nam nước Việt”. Ở nơi giao thoa giữa trời và đất có cây sâm – loài cây dược liệu quý hiếm, gắn liền với câu chuyện huyền thoại mà người Xê Đăng lưu truyền cho đến ngày nay…
1. Theo truyền thuyết của người dân Xê Đăng, Thần bảo vệ là công chúa xinh đẹp của Ngọc Hoàng, khi xuống trần gian giám sát đã phải lòng với cảnh đẹp trần thế và tính cách thân thiện của người Xê Đăng. Nàng không về tiên giới theo ý cha mà trốn ở lại kết duyên cùng chàng trai Xê Đăng cường tráng khỏe mạnh là tộc trưởng của làng. Tình yêu của hai người đã cho ra quả ngọt, đó là một cậu bé có khuôn mặt sáng như ánh mặt trời. Dân làng đến chúc mừng, và cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ giữa một người trần và một cô tiên diễn ra êm ả bình yên trong ngôi làng nhỏ.
Thế rồi một ngày nọ biến cố xảy đến. Người làng sinh ra ngày càng nhiều, để có đủ cái ăn họ phải chặt phá cây cối, đốt rừng làm nương rẫy, cuộc sống muông thú đổi thay, khiến thần núi nổi giận. Dân làng đã phạm lời nguyền và bị quở phạt. Hàng đêm thần núi cho thú rừng về phá nương rẫy, gieo rắc nạn đói rồi cho thú dữ vào làng bắt người. Cuộc đấu tranh chống lại thú dữ đã làm cho dân làng lo lắng và kiệt sức bởi đói. Một hôm thú dữ tràn vào làng, chàng trai tộc trưởng chỉ huy dân làng chống lại quyết liệt nhưng cuộc chiến không cân sức, tộc trưởng bị thú dữ quật chết, ngôi làng bị san bằng, người dân phần chết ngổn ngang phần chạy tán loạn vào rừng, trẻ con bị thú rừng mang đi. Vợ tộc trưởng đi rừng hái củ quả về thấy cảnh làng tan nát, chồng bị sát hại, con trai bị thú bắt đi lòng căm thù trổi dậy – Thần bảo vệ trong người nàng lại thức tỉnh. Nàng phóng như tên bay, đuổi theo thú dữ vào rừng đánh nhau để giành lại đứa con trai. Hỡi ơi! Đứa con trên tay nàng rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa mê, nàng khụyu xuống ôm con vào lòng kêu gào thần tiên giúp đỡ. Nhưng vì vi phạm luật trời kết duyên cùng người trần nên chẳng có thần tiên nào dám đến cứu.
Tình yêu biến thành sức mạnh, nàng vận hết thần lực vốn có của mình truyền cho đứa con trai yêu quý. Khi cậu bé vượt qua lưỡi hái thần chết và tỉnh lại, cũng là lúc thân xác nàng biến thành cây nhỏ xòe năm lá như năm ngón tay mọc bên cậu bé, ngày đêm tỏa ánh hào quang vuốt ve và bảo vệ cậu bé khỏi đàn thú dữ giữa rừng sâu.
Sau trận nổi giận của thần núi, dân làng Ngọk Linh tập hợp những người còn sống sót lên đường đi tìm vùng đất mới để ở. Khi băng qua thung lũng rừng già họ phát hiện cậu bé con của tộc trưởng vẫn còn sống nằm một mình bên bờ suối vắng. Đoàn người vui mừng bế cậu bé giao cho đôi vợ chồng trẻ chưa có con chăm sóc và tiếp tục băng qua 3 ngọn núi 2 con sông tìm nơi lập làng mới.
Ban ngày, cậu bé được chăm sóc như những đứa trẻ khác trong làng nhưng khi đêm xuống mẹ cậu hiện về dẫn vào rừng dạo chơi, cho ăn loại củ lạ có vị đắng ngọt dịu nhẹ. Từ khi được ăn củ lạ, cậu bé lớn nhanh như cây rừng gặp nắng, hiên ngang vút cao như cây chò, cây thông. Bắp tay, bắp chân cuồn cuộn khỏe mạnh, bước đi ào ào như thác nước mùa mưa. Cậu bé nhanh chóng trở thành thanh niên cường tráng nhất làng, thân hình vạm vỡ, làm việc không biết mệt mỏi, thú dữ về làng quấy nhiễu, chỉ một mình cậu ra đánh cũng tan tác cả bầy đàn, truy đuổi đến tận hang ổ tiêu diệt. Chàng trai sử dụng sức mạnh, vào rừng chặt cây dựng lại nhà cửa cho mọi người xây dựng làng mới khang trang. Một mình cậu vác cả cây dài hàng trăm mét về bắc cầu qua sông, giúp cho cho việc đi lại được dễ dàng. Việc làm của cậu được dân làng kính nể, suy tôn làm tộc trưởng, kế nghiệp công việc của người cha trước đây. Từ đó làng Ngọk Linh lại trở về bình yên như xưa.
2. Cuộc sống sinh sôi, cư dân đông đúc đã làm ô nhiễm nguồn nước của các con sông, con suối. Dân làng Ngọk Linh lại vi phạm lời nguyền, bị thần núi quở phạt. Dịch bệnh tiêu chảy, sốt rét run người, rã rời chân tay lây lan khắp mọi nhà trong làng, cướp đi nhiều mạng người làm cho ai nấy hoang mang, sợ hãi, cầu cứu thần linh. Chàng trai dù có sức mạnh vô biên nhưng vẫn không biết làm cách nào để bảo vệ dân làng. Với vai trò tộc trưởng – thủ lĩnh, khiến chàng lo lắng, ngày đêm mất ăn mất ngủ, cố tìm ra phương cách cứu dân làng.
Trong lúc tưởng chừng như vô vọng, chàng trai nhớ về mẹ và cho dựng cây nêu, cầu khẩn suốt 5 ngày 5 đêm. Lời khẩn cầu tha thiết đã vang vọng chạm đến được cõi thần tiên. Bỗng trên ngọn cây nêu xuất hiện con bướm vàng to đẹp vẫy cánh bay. Chàng trai nghe tiếng vọng bên tai: hãy theo ta đi hái thuốc. Thế là chàng trai cứ đi theo hướng con bướm chỉ đường, qua 3 con suối , 5 thác ghềnh và 7 ngọn núi mới đến được khu rừng ven khe suối nhỏ. Tại đây, chàng trai sững sờ trước vẻ đẹp của một thảm thực vật trải dài, chỉ có một loại cây lá xanh 5 cánh, quả chín đỏ rực, đang tỏa mùi hương thơm dịu. Cảnh vật vừa quen vừa lạ. Chàng trai hồi tưởng và nhớ ra đây là khu rừng khi xưa hằng đêm mẹ thường dẫn tới chơi và loại cây này mẹ đã lấy củ nuôi mình lớn mạnh. Chàng thấy giữa đám cây lá xanh, bông hạt đỏ có một cây vươn cao to hơn, lại gần nghe tiếng thì thầm vang vọng bên tai: hãy hái lá về nấu uống, hãy lấy củ ngâm mật mà dùng cho khỏe, hãy hái hạt vãi tung vào rừng. Giọng nói như hối thúc, trong sự tĩnh mịch của rừng thiêng, chàng trai cúi đầu thành kính vái lạy và làm theo chỉ dẫn, rồi nhanh chân chạy về làng.
Việc đầu tiên, chàng lấy những chiếc nồi đồng lớn đem ra giữa làng đun nước lá cho người bệnh uống theo chỉ dẫn. Khi nước lá sôi thì chuyển thành màu xanh da trời, từ nồi phun lên cột khói đỏ lan tỏa khắp làng với mùi thơm dịu dàng. Nước thuốc lan tỏa tìm đến chỗ đau. Người đau bụng, uống nước lá cơn đau tự nhiên biến mất. Người đau đầu và sốt nóng, uống nước lá thuốc có cảm giác toàn thân được bàn tay vô hình chạm vào mát lạnh làm cơn sốt giảm ngay. Dân làng phấn khởi bởi dịch bệnh được đẩy lùi và tiêu tan. Những đứa trẻ mình đầy ghẻ lở cho tắm nước lá thuốc đều hết ghẻ, da dẻ lành lặn, hồng hào như mặt trời buổi sớm. Mọi người khỏe mạnh, cái chân muốn chạy nhảy, cái tay muốn làm, cái miệng muốn nói, muốn ca hát suốt ngày.
3. Khi mọi người được chàng trai chỉ dẫn đến khu rừng hái lá, lấy củ, gieo hạt và biết sử dụng cây thuốc cũng là lúc dân làng không còn thấy tộc trưởng đâu nữa. Chàng đã được gia đình tiên giáng trần đón về trời.
Cũng từ đây dân làng Ngọk Linh gọi tên cây thuốc quý được chàng trai chỉ dẫn là cây sâm. Khi sinh con, người phụ nữ lấy nước lá và củ sâm ngâm mật dùng trong 7 ngày là có thể lên nương, ra rẫy, da dẻ trắng hồng hơn xưa. Thấy vậy các cô gái thử tắm nước lá cũng thấy da thịt mình thay đổi căng tròn, từ đen sạm nắng chuyển sang trắng trẻo, mắt trở nên đen tròn lóng lánh ưa nhìn các chàng trai. Các trai làng dùng củ sâm ngâm mật uống cũng thấy cơ thể mình trở nên mạnh mẽ cường tráng hơn xưa. Cơ bắp nổi lên cuồn cuộn có sức khỏe phi thường như con voi, con hổ, con báo. Họ leo dốc, trèo đèo, vượt núi, lội sông làm rẫy không biết mệt tay, ngày thích ngắm nhìn các cô gái, đêm lại mơ về họ.
Người từ làng khác, thuộc bộ tộc khác thấy con trai, con gái Xê Đăng sống quanh núi khỏe mạnh, da dẻ hồng hào, xinh đẹp, đáng yêu, cố tìm lời giải đáp nhưng mãi không thành. Dân làng bảo rằng: “Sức mạnh, tình yêu và tấm lòng nhân hậu của mẹ con Nàng tiên gửi gắm vào cây sâm đã giúp họ mạnh hơn thú dữ, khoẻ hơn ma rừng”. Từ ngày có được cây sâm chở che, nuôi dưỡng, dân làng đã không còn sợ thần núi nguyền rủa, quở phạt. Mọi người đem hạt cây sâm về gieo tỉa trên núi Ngọc Linh để gìn giữ báu vật mà thần tiên ban tặng.
Hằng năm, cứ vào khoảng tháng 6, tháng 7, thời điểm hoa sâm chuyển hạt thành màu đỏ, để tưởng nhớ về nàng tiên và chàng trai tộc trưởng, dân làng lại nô nức vào rừng thành kính làm lễ tạ ơn, xin phép hái lá, lấy củ và gieo hạt. Tuyên thệ với thần linh nguyện đời đời kiếp kiếp răn dạy con cháu giữ lấy rừng, bảo vệ rừng và bảo tồn, phát triển cây sâm. Nghi thức này đã trở thành tục lệ không thể thiếu của dân làng người Xê Đăng từ bao đời nay. Lễ hội sâm ngày nay cũng lấy từ huyền thoại đó để vinh danh cây sâm Ngọc Linh – sâm Việt Nam chỉ có duy nhất ở vùng quanh sườn núi Ngọc Linh…
Tác giả: LÊ NGÂN (Ghi lời kể của các già làng Hồ Bửu, Hồ Mai, Hồ Quang, Hồ Reo, Hồ Du)
Nguồn tin: http://baoquangnam.vn